Bộ điều khiển kết hợp màn hình hiển thị STR551 của hãng Pixsys – Ý là một bộ điều khiển đa chức năng. Với màn hình OLED tạo nên sự khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm cùng phân khúc. Cùng mình tìm hiểu về STR551 và cách sử dụng bộ điều khiển tại bài viết này nhé.
Bộ điều khiển STR551 khác biệt như thế nào?
STR551 là bộ điều khiển kết hợp màn hình hiển thị của hãng Pixsys – Ý, với một Model duy nhất là STR551-12ABC-T128R. Khác biệt với các sản phẩm cùng phân khúc nhờ màn hình hiển thị OLED (màu vàng đơn sắc) kích thước 128 x 64 mm. Cho phép hiển thị các dạng giá trị cảm biến, thời gian lấy mẫu.
Đặc biệt với khả năng hiển thị các dạng biểu đồ thanh, biểu đồ xu hướng để dễ quan sát giá trị dung lượng, nhiệt độ. Có thể đặt cho cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Là một bộ điều khiển đa ngôn ngữ với 5 lựa chọn ngôn ngữ khác nhau.
Đọc được đa số các loại tín hiệu đầu vào cảm biến từ các cảm biến nhiệt độ đến tín hiệu analog mA và V. Với Relay được tích hợp ở đầu ra, cho phép bộ điều khiển có thể thực hiện đầy đủ các dạng của ngưỡng cảnh báo Alarm. Các đầu ra tín hiệu analog và phương thức RS485 cũng được STR551 thực hiện.
Có thể được cài đặt bằng tay trực tiếp trên thiết bị với các nút nhấn và cài đặt nhanh chóng bằng phần mềm bằng cáp Micro USB. Có các phần mềm chuyên biệt của hãng Pixsys là Labsoftview đồi với máy tính và MyPixsys trên điện thoại.
Thông số kỹ thuật bộ điều khiển STR551
Cấp nguồn: 24..230 Vac/Vdc
Công suất: 8 W
Khối lượng: khoảng 165 gram
Màn hình hiển thị OLED kích thước 128 x 64 mm (màu vàng)
Bao gồm 4 nút nhấn chức năng
Đầu vào:
- Tín hiệu analog: 0-1 V, 0-5V, 0-10V, 0-20 V, 0-20 hoặc 4-20 mA, 0-60 mV
- Thermocouple loại K, S, R, J, T, E, N, B
- Các loại cảm biến nhiệt độ RTD Pt100, Pt1000, Pt500, Ni100
Đầu ra
- 2 tín hiệu analog 0-10 V và 0/4..20 mA
- 2 Relay 2 A – 250 Vac
Chức năng
- ON/OFF có độ trễ
- Chế độ cảnh báo Alarm với trạng thái Tuyệt đối / Ngưỡng, lỗi cảm biến, băng tần (tức thời / chậm trễ ) bằng đầu vào digital
- Hàm Sum tính tổng các phép đo quy trình khác nhau theo thời gian.
- Truyền quy trình, điểm đặt, tham số qua cổng RS485
- Hiển thị các giá trị, thời gian lấy mẫu, biểu đồ thanh, xu hướng
- Đa ngôn ngữ với 5 ngôn ngữ: Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức
- Hiển thị có thể xoay dọc và ngang
Kích thước
Đầu nối dành cho bộ điều khiển STR551
Giống như những sản phẩm khác của Pixsys, STR551 cũng có các hướng dẫn đấu dây in trên thân thiết bị. Bạn chỉ cần tìm kiếm vị trí hướng dẫn đấu dây trên thân bộ điều khiển và thực hiện theo thôi.
Chú ý: để đấu dây vào các terminal của thiết bị. Bạn nên dùng vít dẹt để nhấn các đầu màu cam xuống, đồng thời đặt dây vào. Sau đó, rút vít ra là đấu nối được rồi đấy.
Kết nối nguồn
Như đã nói ở trên, nguồn cho bộ điều khiển STR551 là 24..230 Vac/Vdc khá đa dạng và dễ kiếm. Bạn chỉ cần chuẩn bị hai dây nguồn và thực hiện đấu nối vào chân 5 và 6 của thiết bị thôi.
Đấu nối cho các loại cảm biến đầu vào
Bộ điều khiển STR551 có thể nhận tín hiệu đầu vào của các loại cảm biến nhiệt độ và cảm biến tín hiệu analog. Mỗi loại sẽ có cách đấu nối và chân đấu nối khác nhau. Mình sẽ hướng dẫn cách đấu nối dành cho các loại cảm biến được sử dụng phổ biến.
Cảm biến nhiệt độ RTD
Đấu nối cảm biến nhiệt độ RTD Pt100Cảm biến RTD Pt100 là loại cảm biến nhiệt độ được dùng khá phổ biến trong công nghiệp. Thường sẽ có loại 2 dây và 3 dây, để đấu nối các bạn làm như sau:
- Đối với loại 3 dây, các bạn đấu nối 2 dây cùng màu (2 dây đỏ) vào chân 14 và 15 của bộ điều khiển. Chân 13 các bạn đấu vào dây còn lại (dây trắng).
- Đối với loại 2 dây, một dây (dây trắng) đấu vào chân 13 và dây còn lại (dây đỏ) các bạn đấu với chân 14. Đồng thời tại chân 14 đấu thêm một dây để đấu vào chân 15.
Cảm biến tín hiệu analog
Các cảm biến tín hiệu analog được xem là loại cảm biến bắt buộc phải có trong các nhà máy sản xuất hiện nay. Vì vậy, nhu cầu dùng các loại cảm biến có tín hiệu analog mA và V cũng rất nhiều. Các loại cảm biến analog như: cảm biến siêu âm, cảm biến áp suất,…sẽ có loại 2 dây, 3 dây và 4 dây. Để thực hiện đấu nối như thế nào mời các bạn em bên dưới.
Cảm biến analog loại 2 dây
Ở loại 2 dây, sẽ có có 1 dây là dây (+) và dây còn lại vừa là dây (-) vừa là dây tín hiệu. Các bạn chỉ cần nối dây (+) của cảm biến vào chân 10 và dây (-) vào chân 14.
Cảm biến analog loại 3 dây
Loại này sẽ có 3 dây, mỗi dây có 1 chức năng khác nhau. Bao gồm 1 dây (+) và 1 dây (-) để cung cấp nguồn cho cảm biến, dây còn lại là dây tín hiệu. Các bạn đấu nối dây (+) vào chân 14, dây (-) vào chân 13 và dây tín hiệu vào chân 10.
Cảm biến analog loại 4 dây
Đây là loại nhiều dây nhất, nhưng cũng chỉ dùng 2 dây để đấu nối vào bộ điều khiển. Lý do là vì, sẽ có 2 dây là nguồn (+) và (-) để cấp nguồn cho cảm biến sẽ đấu ở nguồn cấp riêng. Còn lại là 2 dây tín hiệu 1 dây tín hiệu (+) và một dây tín hiệu (-). Bạn đấu nối dây tín hiệu (+) vào chân vào chân 14 và dây tín hiệu (-) vào chân 13 là được.
Đấu nối các chân đầu ra
Bộ điều khiển STR551 sẽ có 2 Relay với Relay Q1 là chân 3 và 4 và Relay Q2 là chân 1 và 2. Bạn chỉ cần đấu dây vào thiết bị bạn cần điều khiển, khi hoạt động các Relay bên trong bộ điều khiển sẽ hoạt động để điều khiển thiết bị đó. Lưu ý là Relay của STR551 là loại 2 A-250 Vac, nên các bạn nhớ chọn thiết bị phù hợp để đấu nối.
Sử dụng bộ điều khiển STR551
Sau khi các bạn đã hoàn thành đấu dây cảm biến vào bộ điều khiển và Relay vào thiết bị cần điều khiển. Để thực hiện điều khiển thiết bị đó theo giá trị cảm biến các bạn cần thực hiện như bên dưới.
Để cài đặt các bạn chỉ cần sử dụng 4 nút nhấn trên mặt trước của thiết bị. Bốn nút nhấn đó có chức năng như sau:
- Nút nhấn số 1 hay còn gọi là “Sel” dùng để chọn hoặc xác nhận các cài đặt
- Nút nhấn số 2 và 3 để tăng và giảm giá trị cài đặt
- Nút nhấn số 4 dùng để chọn vị trí số cần thay đổi và trở về cài đặt trước
Thực hiện cài đặt
Sau khi kết nối nguồn cho STR551, màn hình của thiết bị sẽ chạy đoạn chữ trong vài giây trước khi vào màn hình chính. Để thực hiện cài đặt các bạn làm như sau.
Nhấn nút 1 để vào Menu chính thứ nhất với 3 lựa chọn “Process”, “Graphic”, “Peak values”. Nhấn nút 1 lần nữa sẽ là Menu chính thứ hai với 2 lựa chọn là “Configuration” và “Setpoint”. Để thực hiện cài đặt các bạn chọn “Configuration” bằng cách nhấn phím 1.
Sau khi chọn “Configuration” một màn hình 0000 xuất hiện, yêu cầu nhập mật khẩu. Đây là chức năng dùng để bảo vệ các cài đặt của bạn. Và mật khẩu mặt định là 1234, đương nhiên bạn có thể chọn không dùng mật khẩu hoặc đặt mật khẩu khác. Để nhập mật khẩu các bạn nhấn các phím mũi tên để thay đổi giá trị. Khi đã hoàn thành thay đổi giá trị 1 số, các bạn nhấn nút 4 để đổi sang vị trí số khác.
Sau khi hoàn thành nhập mật khẩu nhấn nút 1 để xác nhận. Bản Menu phụ cài đặt dành cho “Configuration” xuất hiện với rất nhiều thông số cài đặt khác nhau. Nếu muốn quay trở lại các bạn chỉ cấn nhấn nút 4 đến khi trở về màn hình chính.
Cài đặt điều khiển theo giá trị cảm biến
Để có thể cài đặt bộ điều khiển điều khiển thiết bị theo giá trị cảm biến. Có 2 giá trị bạn cần quan tâm để cài đặt trong Menu phụ của “Configuration”. Thứ nhất là loại giá trị cảm biến “Analogue input” và thứ hai là cài đặt cảnh báo “Alarm”.
Để các bạn dễ hiểu hơn mình sẽ nêu lên các giá trị cần cài đặt theo một ví dụ. Các bạn chỉ cần sử dụng các nút để điều chỉnh là có thể thực hiện được.
Ví dụ:
Mình sẽ cài đặt cho một cảm biến nhiệt độ RTD Pt100 để đo khoảng nhiệt độ 0°C đến 100°C trong một đường ống. Và điều khiển bộ phận làm nóng bằng Relay Q1. Relay sẽ mở khi nhiệt độ vượt quá 35°C và sẽ đóng trở lại khi giảm xuống 35°C. Mình sẽ thực hiện các bước sau
Trước tiên là cài đặt loại giá trị cảm biến “Analogue input”
Bước 1:
Sau khi đã hoàn thành đấu nối Pt100 (nếu chưa biết đấu nối thế nào có thể xem lại bên trên) và bộ phận làm nóng vào Relay Q1. Mình sẽ cấp nguồn cho bộ điều khiển STR551 để tiến hành cài đặt.
Bước 2:
Mình vào phần Menu phụ của “Configuration”. Và chọn mục “Analogue input”, tiếp tục chọn tiếp vào phần “Sensor type”. Dùng các nút mũi tên để tìm kiếm mục “Pt100” và nhấn chọn.
Bước 3:
Để chọn đơn vị, các bạn một lần nữa quay lại Menu của “Analogue input” và chọn “Measure unit”. Tìm đơn vị “°C” và nhấn chọn.
Bước 4:
Cuối cùng là cài đặt khoảng giá trị cho cảm biến nhiệt độ từ 0°C đến 100°C. Mình quay trở lại Menu của “Analogue input” chọn “Lower limit V/I” và thay đổi thành 0°C. Ở mục “Upper limit V/I” thay đổi thành 100°C.
Sau khi hoàn thành cài đặt cho loại cảm biến đầu vào. Mình sẽ cài đặt cảnh báo, do mình đấu nối vào Relay Q1 nên mình cài đặt “Alarm 1”. Các bạn thực hiện theo các bước
Bước 1:
Các bạn quay trở lại Menu phụ của “Configuration” và nhấn chọn “Alarm 1”.
Bước 2:
Tại các Menu của “Alarm 1” chọn “Type Alarm”. Mình muốn chọn loại cảnh bảo tuyệt đối nên mình chọn “Absolute alarm”.
Bước 3:
Quay lại Menu của “Alarm 1” mình chọn “Contact type” để chọn loại chế độ Relay thường hở hay thường đóng. Ở đây mình cần thường đóng nên chọn “Normally closed”.
Bước 4:
Để tránh Relay bật tắt liên tục khi trong trường hợp nhiệt độ luôn luôn duy trì ở khoảng 35°C. Mình sẽ cài đặt thêm độ trễ là 1°C để Relay đóng trở lại ở 34°C. Mình chọn mục “Hysteresis” và thay đổi thành 1°C. Mục “Hysteresis” ở trong Menu của “Alarm 1”.
Bước 5:
Cài đặt khoảng đặt Setpoint. Nếu bạn muốn cài đặt Setpoint trong một khoảng nhất định thì chọn “Lower Limit” cho giá trị thấp nhất và “Upper Limit” cho giá trị cao nhất trong Menu của “Alarm 1”. Ở đây mình sẽ chọn là từ 0°C đến 100°C
Vậy là mình đã hoàn thành cài đặt trong Menu của “Configuration”. Tiếp theo mình cần cài khoảng nhiệt độ 35°C để Relay Q1 hoạt động. Để thực hiện, các bạn quay về Menu chính thứ 2 và chọn “Setpoint” cho Alarm 1. Chỉnh sửa giá trị thành 35°C, giá trị này chỉ thay đổi được trong khoảng từ 0°C đến 100°C thôi do mình đã cài đặt ở trên.
Sau khi hoàn thành cài đặt các bạn có thể xem xét bộ điều khiển STR551 hoạt động đúng hay chưa bằng cách xem trạng thái Q1 trên màn hình góc dưới bên phải có sáng hay chưa. Nếu nhiệt độ vượt quá mà Relay vẫn chưa hoạt động, các bạn nên kiểm tra lại cách đâu dây và cài đặt.
Để thực hiện điều khiển theo giá trị cảm biến đối với các loại đầu vào khác các bạn cũng có thể thực hiện tương tự vậy. Chỉ cần thay đổi các thông số mà mình nêu trên cho phù hợp với loại cảm biến của bạn là được.
Lời kết
Đây là một bài viết mà mình muốn giới thiệu đến với các bạn về bộ điều khiển và hiển thị STR551. Mình cũng đã hướng dẫn các bạn về cách cài đặt để có thể sử dụng STR551 điều khiển thiết bị theo giá trị cảm biến đầu vào.
Tất nhiên, bài viết này chưa thể nói hết được về STR551, mình sẽ đề cập đến các chức năng “xịn xò” của bộ điều khiển ở các bài viết khác. Nếu các bạn muốn tìm thêm về các bộ điều khiển khác của Pixsys có thể nhấn vào đây: Bộ Hiển Thị Và Điều Khiển Đa Năng Pixsys.
Hy vọng bài viết này giúp ích cho các bạn. Xin cảm ơn!